Phương Pháp Montessori Và Các Giai Đoạn Nhạy Cảm
MIA MONTESSORI – Trong phương pháp giáo dục Montessori, giai đoạn nhạy cảm ở trẻ được nhìn nhận và đánh giá có vai trò vô cùng quan trọng đối với khả năng học tập và phát triển ở trẻ. Theo Tiến sĩ Maria Montessori, có 6 giai đoạn nhạy cảm ở trẻ và dưới đây là những thông tin vô cùng quan trọng dành cho các bậc phụ huynh.
GIAI ĐOẠN NHẠY CẢM Ở TRẺ MẦM NON LÀ GÌ?
Giai đoạn nhạy cảm ở trẻ có thể dễ dàng nhận thấy qua việc quan sát hành vi của bé. Ví dụ, trong khi đi siêu thị, bạn có thể nhận thấy rằng, một bé hai tuổi muốn chạm vào mọi thứ trong tầm mắt. Trẻ đi đến các kệ hàng, chọn một thứ gì đó, nhìn vào nó, cảm nhận nó, xoay nó lại, cố gắng tìm hiểu nó là cái gì và nó dùng để làm gì.
Bé có thể làm điều này nhiều lần, và bạn có thể nhận thấy rất khó để bé chấm dứt hành động này để đi về nhà. Kết quả hiển nhiên và thường thấy đó là cuộc đối đầu khá quen thuộc với bất kỳ bậc cha mẹ nào.
Tình huống này, có thể cho phụ huynh biết rằng, con bạn không cố tình làm nũng, theo Tiến sĩ Maria Montessori, đây là khuynh hướng phát triển kiến thức và kỹ năng mới ở trẻ thông quan các giác quan của bé. Trẻ cần khám phá mọi thứ và điều này giúp bé học hỏi những thứ xung quanh mình.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh không hiểu và đặt ra những hạn chế, vô tình làm thui chột bản năng học hỏi tự nhiên ở trẻ trong giai đoạn này. Trẻ có thể nổi cáu khi trẻ không được thỏa mãn nhu cầu tự học hỏi, khám phá thế giới xung quanh.
Tiến sĩ Maria Montessori xác định có 6 giai đoạn nhạy cảm ở trẻ đó là: nhạy cảm với tính trật tự, nhạy cảm với ngôn ngữ, nhạy cảm với hoạt động đi bộ, nhạy cảm với xã hội, nhạy cảm với các đồ vật có kích thước nhỏ, nhạy cảm với việc học thông qua giác quan.
Nhạy Cảm Với Tính Trật Tự
Độ nhạy cảm với tính trật tự xuất hiện trong những năm đầu đời của trẻ – đặc biệt là trong 11 tháng tính từ sau khi bé ra đời. Giai đoạn nhạy cảm với tính trật tự ở trẻ sẽ kéo dài đến khi bé hai tuổi.
Trong giai đoạn này, trẻ đang cố gắng sắp xếp và phân loại tất cả những kiến thức và kinh nghiệm mà trẻ tiếp thu được. Nếu như có một sự sắp xếp theo một trật tự nhất định, trẻ sẽ dễ dàng học tập và tiếp thu kiến thức trong giai đoạn nhạy cảm này.
Trẻ thích được xử lý các hành động theo cùng một cách, với một người và trong một môi trường quen thuộc. Điều này không nên hiểu nhầm với nhu cầu về sự gọn gàng theo cách của người lớn. Bé cần rất nhiều sự nhất quán và quen thuộc để bé có thể tự định hướng và xây dựng một bức tranh tinh thần về thế giới xung quanh.
Nếu để ý và quan sát kỹ, các bậc phụ huynh có thể nhận thấy trẻ cảm thấy khó chịu với những thay đổi, ví dụ như khi bạn trang trí lại phòng, chuyển nhà hoặc bé cảm thấy không thoải mái trong những chuyến du lịch.